Cổ tử cung ngắn có thể gây ra trở ngại cho quá trình chuyển dạ và sinh nở. Thai phụ có cổ tử cung ngắn có thể dẫn đến suy cổ tử cung, làm cổ tử cung giãn ra quá sớm, tăng nguy cơ sảy thai, chuyển dạ sớm, sinh non và các biến chứng khác. Vậy có những dấu hiệu nhận biết tình trạng này như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Cổ tử cung ngắn là như thế nào?
Cổ tử cung là tình trạng chiều dài tử cung ngắn hơn 25mm. Trong thai kỳ, chiều dài cổ tử cung thường được đo vào khoảng tuần thứ 20, cân nhắc đo sớm hơn nếu thai phụ có các yếu tố nguy cơ sinh non hoặc có các triệu chứng cụ thể như co thắt đe dọa sinh non (thường đo vào mốc 16-24 tuần).
Cổ tử cung (CTC) có cấu trúc hình phễu, với lỗ cổ tử cung là đường nối thông giữa âm đạo và tử cung, được ví như cửa ngõ cho phép tinh trùng di chuyển đến tử cung gặp trứng. Chiều dài cổ tử cung bình thường khoảng 30 – 50mm, bao gồm một kênh trung tâm có lỗ mở bên trong và bên ngoài. Trong thai kỳ, cổ tử cung sẽ đóng kín, ngăn cách buồng tử cung với âm đạo. Đến giai đoạn chuyển dạ, cổ tử cung sẽ giãn và dần dần mở ra để em bé đi ra ngoài qua ngả âm đạo. (1)
ThS.BSNT Nguyễn Thành Vinh, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, nếu thai phụ có cổ tử cung kích thước ngắn có thể dẫn đến suy cổ tử cung, khiến cổ tử cung giãn ra quá sớm. Việc này làm tăng các nguy cơ như sảy thai, chuyển dạ sớm, sinh non cũng như các biến chứng sản khoa khác.
Trong đó, sinh non là yếu tố có thể gây nhiều biến chứng khác như thai chết lưu, trẻ sinh ra nhẹ cân, bị chảy máu não hoặc có khuyết tật bẩm sinh. Vì thế, khi đang mang thai, việc đo chiều dài kênh cổ tử cung hết sức quan trọng để phát hiện sớm tình trạng cổ tử cung ngắn, lên kế hoạch theo dõi và điều trị đúng cách.

Dấu hiệu nhận biết cổ tử cung ngắn khi mang thai
Cổ tử cung ngắn không có triệu chứng điển hình, tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy phụ nữ có thể có thể gặp tình trạng này như: (2)
- Đã từng sảy thai ở tam cá nguyệt thứ hai (cổ tử cung bị ngắn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này).
- Đã từng sinh non do chuyển dạ tự nhiên trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
Nhưng nếu đây là lần mang thai đầu tiên (con so), sẽ rất khó để nhận biết, do đó bác sĩ sẽ đo cổ tử cung trong những lần khám thai định kỳ.
Thai phụ cũng có thể gặp một số triệu chứng khi mang thai nếu bị suy cổ tử cung. Vì thế, hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các triệu chứng sau đây:
- Chuột rút bất thường.
- Chảy máu nhẹ.
- Đau vùng chậu.
- Đau lưng.
- Dịch tiết âm đạo thay đổi.
Khi xuất hiện các triệu chứng này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem cổ tử cung của thai phụ có bị ngắn hay không.
Nguyên nhân cổ tử cung ngắn khi mang thai
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác tại sao một số phụ nữ lại có cổ tử cung ngắn hơn mức bình thường. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng cổ tử cung ngắn và suy cổ tử cung, gồm:
1. Dị tật của tử cung
Các dị tật của tử cung chẳng hạn như tử cung đôi, tử cung có vách ngăn… có thể ảnh hưởng đến chiều dài cổ tử cung.
- Chấn thương tử cung hoặc cổ tử cung trong lần sinh trước
- Tiền sử ca sinh khó trước đó nếu làm rách cổ tử cung có thể đã làm hỏng cổ tử cung.
2. Phẫu thuật cổ tử cung trước đó
Một số thủ thuật như khoét chóp, nạo phá thai không an toàn có thể liên quan đến tình trạng suy cổ tử cung.
3. Viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng cổ tử cung hoặc âm đạo
Viêm nhiễm, nhiễm trùng hoặc kích ứng cổ tử cung hoặc từ ân đạo đi lên cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến chiều dài cổ tử cung.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Nếu tiếp xúc với một dạng estrogen tổng hợp gọi là Diethylstilbestrol hoặc DES, cổ tử cung cũng có thể có nguy cơ bị ngắn.
5. Chủng tộc
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ da đen có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra lý do rõ ràng.
Cổ tử cung ngắn ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?
Cổ tử cung càng ngắn thì nguy cơ sảy thai, chuyển dạ sớm và sinh non (trước tuần thứ 37 của thai kỳ) càng cao. Chuyển dạ sớm là một yếu tố nguy cơ của nhiều biến chứng như thai chết lưu, trẻ sinh ra nhẹ cân, chảy máu não hoặc bị khuyết tật bẩm sinh lâu dài.
Một số nghiên cứu cho kết quả rằng, cổ tử cung ngắn làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm gấp 6 lần ở phụ nữ mang đơn thai và gấp 8 lần ở phụ nữ mang song thai. Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng sinh non, nhưng các nghiên cứu đều tìm ra mối tương quan chặt chẽ giữa tình trạng này và chuyển dạ sớm. (3)
Ví dụ, một nghiên cứu về những phụ nữ có cổ tử cung rất ngắn, dưới 15mm, phát hiện rằng các trường hợp này chiếm 86% các ca chuyển dạ sớm trước 28 tuần và 58% các ca chuyển dạ sớm trước 32 tuần.
Thai phụ có cổ tử cung ngắn có nguy cơ sinh non cao, nhưng vẫn có nhiều trường hợp sinh con đủ tháng, điều quan trọng là cần phát hiện sớm tình trạng này để có kế hoạch dự phòng, can thiệp kịp thời để đảm bảo vượt cạn an toàn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phụ nữ không thể biết chính xác chiều dài cổ tử cung của mình nếu không đi thăm khám. Trong thai kỳ, việc chẩn đoán cổ tử cung bị ngắn vô cùng quan trọng để có thể lên kế hoạch theo dõi, chăm sóc và điều trị đúng cách.
Hoặc bất kỳ thai phụ nào nếu cảm thấy lo lắng về nguy cơ sinh non, ngay khi không có yếu tố nguy cơ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được đo chiều dài cổ tử cung qua ngả âm đạo.
Những thai phụ được chẩn đoán cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và những lưu ý trong quá trình mang thai. Bác sĩ Thành Vinh khuyến cáo thai phụ cần thăm khám ngay lập tức nếu có các dấu hiệu sau:
- Xuất hiện các cơn co thắt.
- Có chất lỏng rò rỉ từ âm đạo.
- Thai nhi ít cử động hoặc ngừng cử động.

Chẩn đoán cổ tử cung ngắn như thế nào?
Trong những lần siêu âm giai đoạn đầu thai kỳ, bác sĩ thường đo chiều dài cổ tử cung thông qua siêu âm đường âm đạo bằng đầu dò. Kỹ thuật này cho hình ảnh rõ ràng và chính xác chiều dài cổ tử cung. Đối với những thai phụ có tiền sử chuyển dạ sớm hoặc sinh non, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra chiều dài cổ tử cung định kỳ.
Khi phát hiện thai phụ có cổ tử cung ngắn, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chiều dài bằng siêu âm đường âm đạo trong khoảng thời gian từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 20 (16-24)của thai kỳ. Thai phụ có tiền sử sinh non sẽ bắt đầu kiểm tra sớm hơn. Nếu cổ tử cung dài dưới 25mm được xem là cổ tử cung có kích thước ngắn.
Tuy nhiên một số bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn khác và xem chiều dài cổ tử cung từ 20 – 30mm là ngắn. Nhìn chung, thai phụ có tiền sử chuyển dạ tự nhiên sớm hoặc cổ tử cung ngắn cần thông báo sớm với bác sĩ để được lên kế hoạch dự phòng.
Điều trị cổ tử cung ngắn
Có hai lựa chọn trong điều trị cổ tử cung ngắn, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ lựa chọn nào là phù hợp.
1. Bổ sung progesterone
Bác sĩ có thể đề nghị thai phụ sử dụng progesterone để giảm nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Thuốc bổ sung progesterone có dạng viên đặt trực tiếp vào âm đạo hoặc hậu môn, hoặc có thuốc dạng tiêm.
2. Khâu vòng cổ tử cung
Một phương pháp khác giúp ngăn ngừa nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non do cổ tử cung ngắn là khâu vòng cổ tử cung. Thông thường phương pháp này được chỉ định cho thai phụ mang đơn thai, khuyến nghị trong tình huống:
- Thai phụ đã từng sinh non hoặc từng sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai, hoặc cổ tử cung vẫn ngắn mặc dù đã sử dụng progesterone hàng ngày.
- Thai phụ có cổ tử cung rất ngắn, dưới 10mm.
Thời điểm tốt nhất để khâu vòng cổ tử cung là ở tuổi thai 14 – 18 tuần. Ở thời điểm muộn hơn sau 24 tuần, khâu vòng cổ tử cung có nguy cơ cao gây vỡ ối, có thể khiến thai phụ sinh con sớm hơn.
Nếu chiều dài cổ tử cung của thai phụ ngắn hơn 29mm nhưng dài hơn 25mm, bác sĩ sẽ tư vấn thai phụ chỉ nên theo dõi thường xuyên bằng siêu âm, tiếp tục kiểm tra chiều dài tử cung khi thai nhi phát triển lớn hơn.

Bên cạnh áp dụng các phương pháp điều trị dự phòng nguy cơ sinh non, thai phụ được chẩn đoán cổ tử cung ngắn cần lưu ý các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khi thai nhi phát triển càng lớn, chiều dài cổ tử cung sẽ càng ngắn lại, do đó khuyến cáo thai phụ chỉ nên nghỉ ngơi tại giường, tránh đi lại nhiều. Tuyệt đối không quan hệ tình dục, không hoạt động quá sức, chỉ nên ngồi dậy nhẹ nhàng khi ăn uống hoặc vệ sinh cá nhân. Trường hợp thai kỳ nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ nhập viện để được theo dõi sát sao.
Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thực hiện khâu vòng cổ tử cung, giữ thai thành công và đón bé chào đời khỏe mạnh ở tuần thứ 38 của thai kỳ dù trước đó có tiền sử sinh non ở tuần thai thứ 26.(HN có nhiều mà)
Chị Trang (32 tuổi, tên nhân vật được thay đổi) sinh con đầu lòng cách đây 6 năm, bé sinh cực non ở tuần thứ 26 nên bị khuyết tật vận động. Ở lần mang thai này, chị thăm khám tại Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vào tuần thai thứ 23 phát hiện cổ tử cung ngắn chỉ còn 17mm do tụt cổ tử cung.
Thủ thuật khâu vòng cổ tử cung thường được thực hiện ở tuần thứ 14 – 18 của thai kỳ, trường hợp của chị Trang là đặc biệt, thực hiện khâu ở tuần thứ 25 nên tồn tại nhiều khó khăn do thai to, nguy cơ vỡ ối cao, thai phụ có thể sinh sớm, nhiễm trùng.
Sau khi hội chẩn và đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ, chị Trang được khâu vòng cổ tử cung giai đoạn trễ. Bác sĩ sử dụng chỉ khâu đặc biệt, khâu và thắt chặt để giữ cổ tử cung đóng kín. Sau thủ thuật thai nhi phát triển khỏe mạnh. Chị được cắt chỉ khâu lúc 37 tuần. Một tuần sau chị vỡ ối và sinh con khỏe mạnh, nặng hơn 3kg.
Những câu hỏi thường gặp
1. Chiều dài cổ tử cung như thế nào là bình thường?
Bình thường, độ dài cổ tử cung của người phụ nữ chỉ khoảng 30mm, nhưng khi mang thai kích thước này sẽ thay đổi theo thời gian. Trong thai kỳ, khi kiểm tra chiều dài cổ tử cung nếu nằm trong khoảng 30 – 50mm được xem là bình thường, dưới 25mm được xem là cổ tử cung ngắn.
Để có chẩn đoán chiều dài cổ tử cung chính xác, thai phụ cần thực hiện siêu âm thông qua đầu dò âm đạo.
2. Cổ tử cung ngắn mang thai và sinh con được không?
Cổ tử cung ngắn không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và hoạt động tình dục của người phụ nữ, tuy nhiên trong thai kỳ nếu cổ tử cung quá ngắn có thể khiến suy cổ tử cung, cổ tử cung giãn quá sớm không đảm bảo cơ chế bảo vệ thai nhi. Lúc này thai phụ có thể đối mặt với nguy cơ sảy thai, chuyển dạ sớm hoặc sinh non.
Không phải tất cả thai phụ có cổ tử cung ngắn đều bị sảy thai hoặc sinh non, chỉ là nguy cơ sẽ cao hơn so với những thai phụ có chiều dài cổ tử cung bình thường. Phát hiện sớm và can thiệp các biện pháp dự phòng đúng cách sẽ đảm bảo được sự an toàn cho thai nhi.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em hiểu rõ cổ tử cung ngắn là như thế nào. Tốt nhất, khi mang thai chị em hãy tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai cũng như các chỉ định xét nghiệm, siêu âm theo dõi thai kỳ của bác sĩ để phát hiện sớm tình trạng này nếu có, lên kế hoạch chăm sóc và theo dõi thai kỳ chặt chẽ, can thiệp kịp thời đảm bảo mẹ vượt cạn an toàn, bé chào đời khỏe mạnh.
Bài viết: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và phòng ngừa #NguyênNhânSứcKhỏe #DấuHiệuNgườiBệnh #ChẩnĐoánYKhoa #PhòngNgừaBệnhTật
Khám phá thêm từ Tình yêu và kiến thức
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.