Khi mang thai, càng về các tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển lớn gây chèn ép cơ quan bên trong, gây nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó có chứng tiểu lắt nhắt, tiểu không tự chủ, cảm giác cần đi tiểu thường xuyên, cấp bách. Bài viết này, Đại tá, bác sĩ cao cấp CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ tư vấn các thông tin cần biết về việc tiểu lắt nhắt khi mang thai.
Tiểu lắt nhắt khi mang thai là gì?
Tiểu lắt nhắt khi mang thai là tình trạng cần đi tiểu thường xuyên trong suốt thai kỳ. Tiểu lắt nhắt có thể bắt đầu trong vài tuần sau khi đậu thai, cho nên tình trạng này được xem là dấu hiệu sớm, phổ biến của thai kỳ.
Tiểu lắt nhắt khi mang thai ở những tuần đầu tiên xảy ra do mức độ tăng của hormone progesterone và gonadotropin chorionic (HCG) của thai phụ. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng bị tiểu lắt nhắt ở các tuần đầu tiên do hormone thay đổi. Một số người có tần suất đi tiểu liên tục ít hơn, trong khi một số người lại có nhu cầu đi tiểu liên tục cao hơn, cả ngày lẫn đêm.
Trong những tháng giữa và cuối thai kỳ, tử cung và em bé tiếp tục phát triển, tạo ra áp lực lên bàng quang, càng làm tình trạng tiểu lắt nhắt thêm nghiêm trọng. Nếu có thể xuất hiện tình trạng sốt, ớn lạnh, nóng rát khi đi tiểu, cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị vì đây là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).

Nguyên nhân tiểu lắt nhắt khi mang thai
Nguyên nhân tiểu lắt nhắt khi mang thai là do sự thay đổi về nội tiết tố, thận tăng cường lọc máu và thai nhi chèn ép bàng quang. Sau khi thụ thai thành công, phôi bắt đầu làm tổ ở tử cung, cơ thể sẽ sản xuất progesterone và HCG có tác dụng an thai do giảm co bóp cơ trơn tử cung, cơ sàn chậu, cơ trơn của niệu quản, bàng quang cũng như tăng lượng máu đến tử cung để nuôi dưỡng thai, có ảnh hưởng đến việc đi tiểu như tiểu thường xuyên, cấp bách hơn. (1)
Khi thai nhi phát triển, cơ thể người mẹ cần được cung cấp máu nhiều hơn, khi này thận phải tăng cường lọc máu và sản xuất ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ, khi em bé cũng tạo ra chất thải vào máu mẹ và thận càng phải tăng cường lọc máu, khi này nhu cầu đi tiểu thường xuyên, tiểu lắt nhắt, cấp bách càng tăng cao.
Thai nhi càng lớn, tử cung phát triển ra trước, đẩy bàng quang, niệu đạo xuống và làm giãn cơ sàn chậu. Khi bàng quang bị chèn ép làm giảm sức chứa, cơ sàn chậu giãn ra, làm tăng nhu cầu đi tiểu và thậm chí gây tiểu không tự chủ (són tiểu).

Giai đoạn tiểu lắt nhắt khi mang thai
Tiểu lắt nhắt kéo dài trong tất cả giai đoạn khi mang thai. (2)
1. 3 tháng đầu thai kỳ
Tiểu lắt nhắt trong 3 tháng đầu thai kỳ rất phổ biến. Tình trạng này xảy ra do cơ thể thay đổi hormone và tăng lưu lượng máu đến vùng chậu. Việc cơ thể tăng tiết các hormone gonadotropin chorionic (HCG) và các hormone khác (progesterone) thúc đẩy thận làm việc nhiều hơn để tăng lưu lượng máu đến vùng chậu, nuôi dưỡng thai nhi.
2. 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ 2)
Trong 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ 2) tần suất tiểu lắt nhắt có thể giảm xuống do trọng lượng thai nhi tăng chậm, ổn định. Nếu thai lớn, tình trạng tiểu thường xuyên có thể không thuyên giảm, do thai nhi chèn ép bàng quang.
3. 3 tháng cuối thai kỳ
Ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, tình trạng tiểu lắt nhắt thường nghiêm trọng hơn. Thai nhi lớn nhanh ở 3 tháng cuối, bắt đầu di chuyển xuống khung chậu, gây áp lực lên bàng quang và làm giảm sức chứa bàng quang, tăng nhu cầu đi tiểu thường xuyên và cấp bách hơn.
Hơn nữa, khi thai nhi càng lớn, càng tạo ra nhiều chất thải hơn, chất thải từ thai nhi sẽ đi vào máu của thai phụ. Khi này thận phải tăng cường lọc máu để loại bỏ chất lỏng, kết hợp với bàng quang giảm sức chứa, khiến thai phụ phải đi tiểu lắt nhắt cả ngày lẫn đêm.
Tiểu lắt nhắt khi mang thai có sao không?
Tiểu lắt nhắt khi mang thai là sinh lý bình thường của cơ thể với những thay đổi về nội tiết tố và quá trình lớn lên của thai nhi, kéo dài đến khi sinh xong.
Tiểu lắt nhắt đơn thuần trong suốt thai kỳ là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tiểu lắt nhắt đi kèm các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau lưng, đau vùng bụng dưới, nước tiểu đục, có mùi tanh nồng, màu lạ như màu nước trà, màu coca,… cần đến gặp bác sĩ vì đây là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu – trường hợp nguy hiểm đối với thai phụ.

Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Tiểu lắt nhắt khi mang thai cần gặp bác sĩ khi có các triệu chứng sau đây:
- Máu trong nước tiểu.
- Nước tiểu đục hoặc có mùi nồng.
- Đau bụng dưới.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
- Tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu.
Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu hoặc các vấn đề sức khỏe tiết niệu nguy hiểm khác, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Phương pháp chẩn đoán tiểu lắt nhắt khi mang thai bất thường
Phương pháp chẩn đoán tiểu lắt nhắt khi mang thai bất thường là khám lâm sàng và tiến hành xét nghiệm nước tiểu (khi cần thiết). Bác sĩ thường chẩn đoán tiểu lắt nhắt khi mang thai dựa trên triệu chứng và kiểm tra sức khỏe hiện tại của thai phụ. Bác sĩ có thể hỏi các câu hỏi về tần suất đi tiểu, lượng nước tiểu và triệu chứng xuất hiện, các câu hỏi bao gồm:
- Thay đổi về mùi, màu sắc hoặc độ đặc của nước tiểu.
- Lượng chất lỏng tiêu thụ hàng ngày.
- Khi nào bắt đầu và thời điểm nào trong ngày các triệu chứng tiểu lắt nhắt xảy ra.
Nếu bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng tiểu lắt nhắt không liên quan đến mang thai, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, nước tiểu (tìm hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn,…) đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
- Siêu âm đánh giá tình trạng ứ nước của thận, dày thành bàng quang,…
- Hiếm khi nội soi bàng quang, đo áp lực bàng quang trong giai đoạn thai kỳ.

Cách điều trị tiểu lắt nhắt khi mang thai
Cách điều trị tiểu lắt nhắt khi mang thai, nếu không có nguyên nhân nhiễm trùng, chủ yếu là tập luyện các bài tập bàng quang, cơ sàn chậu (bài tập Kegel) để tăng cường sức mạnh của cơ nâng đỡ vùng xương chậu, niệu đạo và bàng quang. Hơn nữa, tập luyện bài tập Kegel khi mang thai cũng giúp khắc phục tình trạng tiểu không tự chủ khi mang thai và phòng ngừa chứng sa tạng chậu sau này.
Bài tập Kegel an toàn để thực hiện trong khi mang thai và sau khi sinh con gồm các thao tác dưới đây:
- Bước 1: lựa chọn tư thế cảm thấy thoải mái, mẹ bầu có thể nằm hoặc ngồi trên sàn.
- Bước 2: thư giãn cơ bụng, ngực, đùi và mông.
- Bước 3: siết chặt các cơ sàn chậu và giữ trong 5 – 10 giây. Động tác này chủ yếu là siết cơ ở phần hậu môn, sau cho hậu môn được nâng lên.
- Bước 4: thư giãn các cơ trong 5 – 10 giây. Lặp lại động tác trên 10 lần mỗi ngày tập 3 lần như vậy.
Việc thay đổi các thói quen sinh hoạt cũng góp phần cải thiện tình trạng tiểu lắt nhắt khi mang thai, điều này bao gồm:
- Ăn uống đủ chất, hạn chế uống nhiều nước buổi tối để tránh đi tiểu đêm.
- Tránh đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê,… trong suốt thai kỳ.
- Giữ vệ sinh vùng kín, mặc đồ lót rộng, thoải mái, chất liệu cotton.
- Ghi nhật ký thời gian đi vệ sinh, lượng nước tiểu và các triệu chứng khó chịu đi kèm như nhiễm trùng tiết niệu.
Trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể can thiệp điều trị bằng kháng sinh. Loại thuốc cụ thể cần được lựa chọn và điều chỉnh dựa trên từng thể trạng, giai đoạn mang thai và hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc lên thai nhi.

Biện pháp phòng ngừa tiểu lắt nhắt khi mang thai
Việc đi tiểu thường xuyên trong thai kỳ là bình thường và có thể do thay đổi hormone, trọng lượng của thai và áp lực lên bàng quang nên không thể phòng ngừa. Để giảm đi tiểu thường xuyên, thai phụ có thể tham khảo một số hướng dẫn sau:
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy cần và cúi người về phía trước để dễ dàng làm rỗng bàng quang.
- Tránh cà phê, trà, sô cô la, nước ngọt và đồ uống tăng lực trong suốt thai kỳ.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ táo bón, có thể gây căng thẳng cho bàng quang.
- Uống nhiều nước trong ngày, nhưng cắt giảm vài giờ trước khi đi ngủ.
- Thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu để cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
Hầu hết mọi thai phụ đều xuất hiện hiện tượng tiểu lắt nhắt khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Tiểu lắt nhắt đơn thuần khi mang thai không đáng lo, tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất hiện với các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt thì khả năng cao đây là triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tại Đơn vị Niệu nữ, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tiết niệu, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7. Tại đây có đội ngũ bác sĩ là những chuyên gia về sức khỏe tiết niệu nữ, riêng tư, an toàn, thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề về sức khỏe tiết niệu để thai phụ có thai kỳ khỏe mạnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hy vọng với những thông tin bài viết vừa chia sẻ đã giúp bạn hiểu thêm và tình trạng tiểu lắt nhắt khi mang thai, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, khắc phục tình trạng này.
Bí mật về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị #NguyenNhanBenh #TrieuChungBenh #DieuTriBenh
Khám phá thêm từ Tình yêu và kiến thức
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.