Triệu chứng Lupus ban đỏ khiến cụ bà giảm 14kg trong vòng 6 tháng #LupusBanĐỏ #CụBàSụt14KgTrong6Tháng

Hơn nửa năm chịu đựng cơn đau nhức toàn thân, sụt cân nghiêm trọng, bà Hòa, 66 tuổi, về Việt Nam điều trị thì bác sĩ phát hiện bệnh lupus ban đỏ.

Lupus ban đỏ khiến cụ bà sụt 14kg trong 6 tháng

Gần hai tuần sau khi được các bác sĩ bệnh viện Tâm Anh tận tình cứu chữa, bà Hòa tự tin đi lại dọc hành lang mà không cần người dìu. Bà mô tả hành trình mình vừa đi qua giống như một phép màu, vì chỉ trước đó không lâu cuộc sống của bà gắn liền với chiếc giường bệnh. “Đi lại là điều xa xỉ, nhu cầu ăn uống bằng 0, khi ấy tôi không còn khái niệm thời gian vì cả ngày chỉ biết chống chọi cơn đau mà không để ý bên ngoài là đêm hay ngày”, bà nói.

Ngày 12/3, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bà Hòa nhập viện trong trạng thái đi không vững, toàn thân suy kiệt, bụng báng, hai chân phù, khó thở, móng cái bàn chân phải nhiễm trùng.

Chị Thảo, con gái bà, kể bà Hòa định cư ở nước ngoài nhiều năm. Bà xuất hiện triệu chứng đau nhức hai tay từ nửa năm trước, đi khám không phát hiện bệnh mà bác sĩ chỉ cho thuốc giảm đau. Sau một thời gian bệnh nặng lên, cơn đau lan từ tay ra khắp người, mười đầu ngón tay và chân chuyển màu tím, tóc rụng nhiều. Bà có cảm giác cơ thể không còn sức lực để thực hiện các sinh hoạt thường ngày, thở không nổi, ăn uống rất kém. “Trong vòng chưa đầy 6 tháng, mẹ tôi sụt đến 14 kg”, chị Thảo chia sẻ.

Cuối tháng 1, bệnh tình bà Hòa nghiêm trọng hơn, gia đình đưa bà về Việt Nam khám chữa bệnh. Bác sĩ nhận định bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng toàn thân, lúc đầu chưa thể chẩn đoán chính xác bệnh gì. Bà Hòa được chụp X-quang phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim, ghi nhận viêm phổi kèm tràn dịch màng tim, màng phổi, màng bụng. Bác sĩ tiến hành dẫn lưu hút dịch, sử dụng kháng sinh liều cao. Sau một vài ngày tình trạng bệnh nhân ổn, ê kíp hội chẩn tìm nguyên nhân.

Xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm nhiều, bác sĩ Kiều nghi ngờ có liên quan đến bệnh lý tự miễn. Ngoài ra, trên mặt bà Hòa có vết ban hồng, tập trung phần cánh mũi và hai má. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh lupus ban đỏ. Các bác sĩ chuyên khoa Huyết học – Miễn dịch lâm sàng – Tim mạch hội chẩn và chỉ định xét nghiệm liên quan, kết quả xác định bà mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Bác sĩ Kiều kiểm tra sức khỏe cho bà Hòa trước lúc xuất viện
Bác sĩ Kiều kiểm tra sức khỏe cho bà Hòa trước lúc xuất viện

Lupus ban đỏ (hay lupus ban đỏ hệ thống) là một bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì chống lại nhiễm trùng, bệnh tật thì lại tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể, làm tổn hại nhiều cơ quan như da, thận, thần kinh, phổi, tim mạch, cơ xương khớp…

Bệnh thường gặp ở nữ giới (9 trong số 10 ca mắc lupus ban đỏ được xác định là nữ) trong độ tuổi 15-40. Trường hợp U70 mới chẩn đoán bệnh như bà Hòa là rất ít gặp, theo bác sĩ Kiều. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, lupus ban đỏ có thể dẫn tới tử vong do tổn thương thận, phổi, tim không hồi phục.

Bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị tích cực cho bà Hòa, gồm thuốc kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch. Sau ba ngày, bà được chuyển từ phòng Hồi sức tim mạch ra khu nội trú, tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định.

Thể trạng bà hồi phục dần, chân hết phù, đầu ngón tay chân không còn tím đen, hết khó thở, da hồng hào hơn. Bà có lại cảm giác thèm ăn, thường xuyên thấy đói. “Vui nhất là mẹ tôi có thể tự đi lại, sinh hoạt như thời điểm chưa bị bệnh”, chị Thảo chia sẻ. Bà Hòa xuất viện sau 12 ngày, bày tỏ mong muốn ở lại Việt Nam luôn để “Có gì còn nhờ các bác sĩ”, bà nói.

Bác sĩ Kiều thông tin, dù là bệnh lý nguy hiểm nhưng lupus ban đỏ rất dễ bỏ sót vì triệu chứng biểu hiện toàn thân, dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp, hô hấp, da liễu, tim mạch… Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nếu kiểm soát tốt, người bệnh sẽ tránh được các đợt bùng phát cấp và có cuộc sống, sinh hoạt như người bình thường.

Lupus ban đỏ không thể phòng ngừa hoàn toàn. Đối tượng nguy cơ cao có thể dự phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tiêm vắc xin để tăng cường sức đề kháng, loại bỏ căng thẳng và giữ tinh thần luôn vui vẻ, có chế độ ăn giàu vitamin và dưỡng chất, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Khi thấy những dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, rụng tóc nhiều, phát ban trên da theo dạng đặc trưng (hình cánh bướm), đau bụng, đau khớp, chóng mặt, sụt cân không rõ lý do, cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.