Tiểu không tự chủ sau quan hệ là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe đường tiểu ở cả nam và nữ. Bài viết hôm nay, Đại tá, bác sĩ cao cấp, CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ chia sẻ về những thông tin hữu ích về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa chứng tiểu không tự chủ sau quan hệ.
Tiểu không tự chủ sau quan hệ là gì?
Tiểu không tự chủ sau quan hệ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không kiểm soát sau khi giao hợp, điều này dẫn đến sự tự ti, xấu hổ, e ngại hoặc né tránh quan hệ tình dục. Nguy cơ mắc tình trạng này tăng lên theo tuổi tác, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể gặp.
Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu lớn nào xác định mức độ phổ biến của chứng tiểu không tự chủ sau quan hệ. Loại tiểu không tự chủ sau quan hệ thường gặp là tiểu không tự chủ do gắng sức (stress incontinence) chiếm khoảng ⅓ các trường hợp và ⅓ khác là tiểu không tự chủ hỗn hợp, tức là tình trạng tiểu không tự chủ do gắng sức kết hợp với tiểu gấp không tự chủ (urge incontinence).
Đối với nam giới, tiểu không tự chủ gặp ở những người có vấn đề về tiền liệt tuyến như tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây bí tiểu mạn tính, khi bàng quang căng sẽ có bị tràn nước tiểu không tự chủ. Tình trạng này nặng thêm khi quan hệ tình dục, bàng quang bị đè ép liên tục và gây són tiểu.
Tiểu không tự chủ sau quan hệ cũng có thể là biến chứng thường gặp ở 3 – 6 tháng đầu sau phẫu ung thư tuyến tiền liệt và sẽ tiến triển nặng thêm nếu người bệnh có quan hệ tình dục trong thời điểm này. (1)
Có thể bạn quan tâm:

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ sau quan hệ
1. Cơ sàn chậu bị suy yếu
Đường tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo. Bàng quang có chức năng lưu trữ nước tiểu do thận sản xuất. Khi bàng quang đầy, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu đến não, thông báo rằng bạn cần đi tiểu, khi đó cơ bàng quang co bóp, cơ vòng niệu đạo mở ra và nước tiểu di chuyển qua niệu đạo để ra ngoài.
Hai cơ vòng niệu đạo (sphincter) gồm có cơ vòng trong nằm ở cổ bàng quang và cơ vòng ngoài nằm ở gần niệu đạo, cơ chế hoạt động như 1 cái van đóng mở có chủ ý để duy trì hoạt động đi tiểu được thuận lợi, tránh rò rỉ nước tiểu và ngăn cản xuất tinh ngược vào bàng quang. Khi các cơ vòng bị tổn thương đặc biệt cơ vòng ngoài có thể gây són tiểu, xuất tinh ngược (nam giới).
Các cơ sàn chậu trải dài phía dưới xương chậu và có chức năng hỗ trợ các cơ quan vùng chậu gồm: bàng quang, ruột và tử cung (dạ con) ở phụ nữ. Khi các cơ sàn chậu bị suy yếu, chúng có thể gây ra các vấn đề về kiểm soát bàng quang và ruột như: kiểm soát việc thải nước tiểu, đi nặng, xì hơi và trì hoãn việc đi tiểu cho đến khi thuận tiện.
Khi co cơ sàn chậu, chúng sẽ nâng đỡ các cơ quan nội tạng trong khung chậu và thắt chặt các lỗ âm đạo, hậu môn và niệu đạo. Trong quá trình mang thai, sinh con, hoặc sau một số phẫu thuật lớn ở vùng chậu làm tổn thương các mạch máu thần kinh cũng như sang chấn các cân và cơ vùng chậu (cắt tử cung, cắt tuyến tiền liệt toàn bộ) dẫn tới suy yếu cơ sàn chậu, khiến chúng không thể hoạt động bình thường và phát sinh các vấn đề về tiểu tiện (són tiểu), đại tiện (són phân).
2. Bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt hay bàng quang hoạt động quá mức (OAB), gây ra cảm giác buồn tiểu đột ngột và khó kiểm soát, nhu cầu đi tiểu tăng lên cả ngày và đêm và có triệu chứng tiểu gấp không kiểm soát thậm chí có thể gây tiểu không tự chủ trong và sau khi quan hệ tình dục. (2)

3. Chấn thương niệu đạo
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể, ở nam giới, niệu đạo dài hơn nữ giới và dễ bị tổn thương trong chấn thương có vỡ khung chậu hay do các can thiệp y khoa như thủ thuật đặt thông tiểu, nong niệu đạo, soi bàng quang, phẫu thuật cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt để (toàn bộ) trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Trường hợp cơ thắt ngoài niệu đạo bị tổn thương có thể gặp biến chứng tiểu không tự chủ.
Trong hoạt động tình dục, một số trường hợp có thể tạo ma sát khiến khu vực bộ phận sinh dục bị viêm. Khi điều này xảy ra, cơ vòng niệu đạo có thể hoạt động không đúng cách, dẫn đến việc rò rỉ nước tiểu không kiểm soát được.
4. Viêm âm đạo, viêm bàng quang và nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTIs)
Hoạt động tình dục làm gia tăng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, trong suốt quá trình quan hệ, vi khuẩn hiện diện ở vùng xung quanh hậu môn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang gây viêm. Phản ứng của cơ thể để đáp ứng với quá trình viêm đó là giải phóng ra các chất trung gian hóa học để chống lại vi khuẩn nhưng cũng kích thích lên thành và niêm mạc bàng quang làm tăng cảm giác bàng quang và tăng co bóp cơ bàng quang gây ra tình trạng tiểu gấp, tiểu không tự chủ.
5. Rối loạn nội tiết tố
Sự thay đổi nội tiết tố có thể gây ra tình trạng tiểu không tự chủ sau khi quan hệ tình dục, đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh, mang thai và sinh nở. Khi có sự suy giảm của nội tiết tố estrogen thì hiện tượng khô âm đạo thường gặp và âm đạo bị kích thích cùng với suy yếu cơ sàn chậu do thiếu nội tiết, nên khi quan hệ theo tư thế thâm nhập từ phía trước hay phía sau sẽ gây lực ép mạnh liên tục lên bàng quang nhất là khi bàng quang căng có thể gây tiểu không tự chủ.
6. Tâm lý
Các yếu tố tâm lý như lo lắng, căng thẳng vì áp lực trong công việc, cuộc sống, tự ti mặc cảm về ngoại hình cơ thể có thể góp phần gây ra tình trạng co bóp bất thường của bàng quang và gây tiểu không tự chủ sau khi quan hệ tình dục.
7. Hiện tượng xuất tinh ở nữ giới (Female Ejaculation)
Trong một số trường hợp, hiện tượng xuất tinh ở nữ có thể gây rò rỉ nước tiểu trong khi quan hệ tình dục. Khi một số phụ nữ cảm thấy kích thích tình dục và đạt cực khoái, cơ thể họ sẽ tiết ra chất lỏng tương tự như cách dương vật xuất tinh khi nam giới đạt cực khoái.
Chất lỏng này có thể chứa một lượng nhỏ nước tiểu được thải ra qua niệu đạo hoặc là một lượng lớn chất nhờn chảy ra từ âm đạo. Những người không quen thuộc với hiện tượng xuất tinh ở nữ có thể nhầm lẫn chất lỏng này với tình trạng mất kiểm soát bàng quang (tiểu không tự chủ).

Tiểu không tự chủ sau quan hệ cảnh báo bệnh gì?
Tiểu không tự chủ sau quan hệ cảnh báo một số bệnh sau:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: tình trạng tiểu không tự chủ tạm thời hoặc thoáng qua, cần điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và dự phòng tái phát.
- Tiểu không kiểm soát khi gắng sức: xuất hiện khi có gia tăng áp lực ổ bụng như chạy, nhảy, ho, hắt hơi hay nâng vật nặng hoặc đi bộ nhanh gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, cũng như chất lượng đời sống tình dục.
- Suy yếu sàn chậu: có thể có sa một hoặc các tạng vùng chậu như sa thành trước âm đạo, sa bàng quang, sa tử cung, sa thành sau âm đạo, sa ruột.
- Bàng quang tăng hoạt (OAB): người bệnh có thể đi tiểu khi quan hệ tình dục, đặc biệt là khi đạt cực khoái, do cơ bàng quang hoạt động quá mức.
- Bệnh tuyến tiền liệt ở nam giới, sỏi hoặc khối u bàng quang,… ảnh hưởng đến nam giới có bí tiểu mạn tính do các bệnh lý của tuyến tiền liệt, tổn thương cơ thắt ngoài của niệu đạo có tiểu không tự chủ.
- Quan hệ tình dục gặp trục trặc (rối loạn cương, xuất tinh sớm): cũng có thể gây ra cảm giác lo lắng liên quan đến rối loạn thần kinh chức năng điều hòa hoạt động của bàng quang và làm trầm trọng thêm bàng quang tăng hoạt (OAB).
Phương pháp chẩn đoán tiểu không tự chủ sau quan hệ
Phương pháp chẩn đoán tiểu không tự chủ sau quan hệ được thực hiện tại Đơn vị Niệu nữ hoặc khoa Tiết niệu, ở các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng hỏi người bệnh về tần suất xuất hiện, số lượng, các triệu chứng đi kèm, thời gian bị rò rỉ nước tiểu sau khi quan hệ, thăm khám vùng bụng, khám âm hộ, âm đạo, sức co bóp của cơ sàn chậu để đánh giá tình trạng của người bệnh.
Ở nam giới sẽ thăm khám trực tràng phát hiện u tuyến tiền liệt. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm, đo lượng nước tiểu tồn dư, đo niệu dòng đồ, đo áp lực đồ bàng quang hay chụp MRI để đánh giá các bệnh kèm theo.
Cách điều trị tiểu không tự chủ sau quan hệ
Cách điều trị tiểu không tự chủ sau quan hệ quan trọng nhất là khắc phục tình trạng cơ sàn chậu bị suy yếu. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hướng dẫn và yêu cầu người bệnh duy trì thực hiện các bài tập về cơ sàn chậu như bài tập Kegel trong 6 tháng để cải thiện triệu chứng tiểu không tự chủ. Song song với tập luyện là thay đổi lối sống, khi việc tập luyện không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các phương án điều trị khác như dùng thuốc hay can thiệp,…
1. Bài tập cơ sàn chậu
Bài tập cơ sàn chậu hay bài tập Kegel là bài tập tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu, được khuyến khích tập luyện cả đời. Các động tác tập luyện cơ sàn chậu rất đơn giản, người bệnh có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, miễn sao cảm thấy thoải mái.
- Bước 1: làm rỗng bàng quang bằng cách đi tiểu.
- Bước 2: tìm tư thế thoải mái, có thể ngồi trên ghế, trên sàn, nằm trên sàn,…
- Bước 3: siết chặt các cơ sàn chậu bằng cách nâng cơ hậu môn lên, sao cho bạn cảm thấy phần cơ hậu môn siết lại và được nâng lên về phía bụng.
- Bước 4: cố gắng giữ nguyên động tác siết cơ trong 5 – 8 nhịp thở (5 – 8 giây) và từ từ thư giãn, thả lỏng.
- Bước 5: lặp lại động tác trong 3 – 5 hiệp mỗi ngày, mỗi hiệp 10 lần.
Theo thời gian, người bệnh có thể thử kéo dài thời gian siết cơ để nâng cao hiệu quả tập luyện. Tập luyện cần được duy trì đều đặn trong 6 tháng để đạt được kết quả điều trị. Người bệnh có thể chọn tập luyện cơ sàn chậu bằng máy tập tại cơ sở y tế, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, điều này sẽ giúp tập luyện đúng cách, hiệu quả cao hơn và rút ngắn thời gian điều trị tiểu không tự chủ sau quan hệ.
Tập luyện cơ sàn chậu được khuyến khích trong điều trị và ngăn ngừa tiểu không tự chủ
2. Thuốc
Thuốc được kê đơn trong điều trị tiểu không tự chủ sau quan hệ thường được sử dụng song song với việc tập luyện để khắc phục triệu chứng rò rỉ nước tiểu do bàng quang tăng hoạt gây ra. Có một số loại thuốc có thể điều trị chứng tiểu không tự chủ, bao gồm thuốc kháng cholinergic, thuốc đồng vận beta-3, thuốc chống trầm cảm 3 vòng,… Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc cũng như liều dùng, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định.
3. Can thiệp y khoa
Trong trường hợp nghiêm trọng, tiểu không tự chủ sau quan hệ không thể khắc phục được bằng thuốc, tập luyện cơ sàn chậu, tùy theo nguyên nhân để áp dụng các biện pháp điều trị sau:
- Do bàng quang tăng hoạt: có thể tiêm botox vào cơ bàng quang, kích thích thần kinh chày sau, điều biến thần kinh cùng.
- Nếu tiểu không tự chủ do gắng sức: có thể tiêm các chất làm đầy như Bulkamid làm chắc niệu đạo hoặc phẫu thuật đặt dải băng treo niệu đạo bằng mô tự thân hoặc lưới nhân tạo (phẫu thuật TOT).
- Nếu có kèm theo sa cơ quan vùng chậu (bàng quang, tử cung, trực tràng), cần phẫu thuật để phục hồi các cơ quan này về giải phẫu ban đầu (bằng khâu treo hoặc dùng mảnh lưới bằng vật liệu mềm, chắc, ít kích ứng), khâu cố định vào cân, xương vùng chậu, xương cùng.
- Đối với nam giới: điều trị các bệnh lý của tuyến tiền liệt, nếu có tổn thương cơ thắt không hồi phục thì phẫu thuật đặt cơ thắt nhân tạo mang lại hiệu quả cao.
Biện pháp phòng ngừa tiểu không tự chủ sau quan hệ
Biện pháp phòng ngừa tiểu không tự chủ sau quan hệ đầu tiên là đi tiểu trước khi quan hệ để làm rỗng bàng quang, thay đổi tư thế khi quan hệ để tránh đè ép lên bàng quang.
- Duy trì việc tập luyện để duy trì sức khỏe cơ sàn chậu, bàng quang, tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý.
- Chế độ ăn uống tránh các chất chua, cay nóng, lợi tiểu như trà, cà phê, bỏ thuốc lá,…
- Bổ sung estrogen nếu thiếu hụt, điều trị bệnh tuyến tiền liệt ở nam giới.
Bác sĩ khuyến khích người bệnh nên duy trì tập luyện bài tập Kegel mỗi ngày, đặc biệt là phụ nữ sau sinh, phụ nữ mãn kinh, nam giới đã phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Việc duy trì sức khỏe cơ sàn chậu khỏe mạnh sẽ giúp bạn ngăn ngừa được nhiều bệnh về đường tiểu dưới, trong đó có tiểu không tự chủ nói chung và tiểu không tự chủ sau quan hệ nói riêng cũng như sa các cơ quan vùng chậu.
Chẩn đoán và điều trị tiểu không tự chủ sau quan hệ tại Đơn vị Niệu nữ và khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tiết niệu, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị các vấn đề về đường tiểu dưới ở nữ giới.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hy vọng với những thông tin bài viết vừa chia sẻ đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng tiểu không tự chủ sau quan hệ, thông tin hữu ích khác về nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa tình trạng này.
Vì sao bạn cần biết nguyên nhân và cách điều trị? #NguyênNhânVàCáchĐiềuTrị
#BiếtRõNguyênNhânĐểĐiềuTrịHiệuQuả
#HiểuVềNguyênNhânĐểChữaKhỏi
#KhámPháNguyênNhânĐểTìmCáchĐiềuTrị
#TìmRaNguyênNhânĐểChữaTrịTậnGốc
Khám phá thêm từ Tình yêu và kiến thức
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.